• Thứ Hai, 23-3-2019
  • 12:25:26 PM

Kiếm sống nơi biên giới

Nhầm cái bé! Hầu hết các tay nhà báo đều chưa hề chụp được bất kì món hàng nào bên trong các bao tải hoặc các giỏ hàng. Trong khi đó, hàng độc hại không bao giờ qua đường tiểu ngạch!

Bài NGUYÊN QUANG

Từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, dọc theo chiều dài đất nước, người Việt ở phía Tây Bắc, Tây, và Tây Nam đất nước, đâu cũng có những cư dân vùng đệm, tức vùng biên cương, mà ở đó, đời sống có những điểm hoàn toàn khác biệt so với đời sống đồng bằng. Kiếm sống nơi biên giới, cụm từ này nghe qua có vẻ nhạt, cũng bình thường như việc kiếm sống nơi hải đảo hay kiếm sống nơi đồng bằng… Nhưng thực tế, cuộc kiếm cơm nơi biên giới luôn chứa đầy máu và nước mắt. Đáng sợ hơn là không có lựa chọn nào khác cho những người sống ở biên giới Việt Nam.
 

Bốc vác lúa thuê ngày mùa. Ở Châu Đốc, An Giang, vùng sát biên giới có một đội lao động chuyên đi làm việc này theo mùa. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Từ Lạng Sơn đến Hà Tiên

Lần đầu tiên đến Lạng Sơn, cách đây hơn mười năm, sau đó thì thường xuyên hơn, hằng năm, thậm chí có khi vài tháng tôi đã có mặt ở Lạng Sơn. Và trong suốt thời gian dài ấy, dường như có một thứ cứ lặp đi lặp lại trong mắt: người Việt tấp nập, quay quắt tải hàng qua cửa khẩu. Và, trong một lần tình cờ gần đây, khi tôi đưa máy lên chụp cảnh đoàn người Việt Nam chở hàng sang Trung Quốc thì có một bàn tay thô ráp đặt lên vai tôi. Theo phản ứng nghề nghiệp, tôi hạ máy, xoay đảo người để thoát bàn tay và chuẩn bị đón một seri đòn… Rất may lần này không có bạo lực mà là một câu hỏi tuy có phần hơi gay gắt: “Phóng viên à? Nhà báo à? Chụp cảnh này làm gì? Người ta chụp nhiều lắm rồi, có nói gì đâu?”
“Chụp nhiều mà không nói gì nghĩa là sao chú?” Tôi hỏi lại người đàn ông đội nón cối, tướng to vâm và gương mặt có phần dữ tợn.
“Thì chụp cho nhiều mà hầu hết cũng chỉ nói rằng người Việt qua Trung Quốc gánh hàng về đầu độc cho người Việt chứ có nói được gì hơn?!”
“Ý chú là còn nhiều vấn đề khác đáng nói hơn?”
“Đúng thế, hầu hết nhà báo nào ra cửa khẩu cũng đều chụp vài bức hình người ta thồ hàng hoặc ra các cánh rừng chụp cảnh chẻ hàng (chuyển hàng lậu, không qua cửa khẩu mà đi bằng đường rừng để trốn thuế và kiểm định chất lượng) rồi về kết luận là hầu hết hàng độc hại trôi nổi trên thị trường Việt Nam đều là hàng tiểu ngạch. Nhầm cái bé! Hầu hết các tay nhà báo đều chưa hề chụp được bất kì món hàng nào bên trong các bao tải hoặc các giỏ hàng. Trong khi đó, hàng độc hại không bao giờ qua đường tiểu ngạch!”
 

Một người bán rau củ quả ở chợ biên giới. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Cửu vạn ở Chi Ma - Lạng Sơn. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Chú dựa vào đâu mà khẳng định hàng độc hại không qua bằng đường tiểu ngạch?”
“Ơ, tớ làm ở đây gần hai chục năm, từ lúc hàng Trung Quốc bắt đầu lưu thông mạnh sang Việt Nam đến nay, cái gì mà tớ không biết. Cậu nên nhớ, nếu nói đến hàng hóa chuyển sang Việt Nam để lưu thông hầu hết các tỉnh thì phải nói đến các chuyến xe đầu kéo container, mỗi ngày chúng đi qua cửa khẩu hàng trăm chuyến, chỉ riêng cửa khẩu Chi Ma này thôi là đã hơn trăm chuyến và chúng chỉ cần đi qua cửa khẩu, mua cái vé, nhét ít tiền cho hải quan, sau đó hải quan khám qua loa, xem danh mục không có hàng quốc cấm là cho đi chứ họ đâu có thể khám thử trong đó bao nhiêu hàng chính hãng, bao nhiêu hàng độc hại. Không hề! Mà có khám chăng nữa thì họ cũng chả có chuyên môn đâu!
“Riêng về hàng tiểu ngạch, vì sao tớ nói nó không phải là hàng tệ? Vì nó chuyển về chợ và chỉ dùng trong tỉnh, trong huyện, nói một cách công tâm là các bà buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam kiểu buôn gánh bán bưng chỉ có thể mua một ít, vừa sức chở và về Việt nam bán kiếm lãi trong ngày, chả khác nào các bà nhà quê dưới xuôi mua hàng ra phố bán là mấy. Thường mỗi ngày họ kiếm chừng vài trăm tới một triệu đồng, nói chung là lãi cao. Nhưng họ cũng là nạn nhân.”
“Ủa, nạn nhân gì vậy chú? Buôn bán kiếm lãi, có nhiều tiền lãi sao gọi là nạn nhân?”
“Gọi là nạn nhân vì phải sống trong vùng biên giới, mà đã sống ở đây, nếu không đi buôn thì cũng chỉ có đi thồ hàng thuê mới có tiền để sống chứ rừng thì thuộc quản lý nhà nước 100%, rừng quốc phòng mà! Ruộng thì không có, lấy gì để sống? Mà nếu có ruộng thì cũng vật vờ qua ngày thôi, họ phải đi buôn, đi làm thuê. Mà đi làm thuê thì bị ép công, đi buôn thì bị hải quan nó chặt chém. Trước đây, cứ mỗi chuyến thồ hàng qua cửa khẩu bằng xe đạp, xe tải (tức xe bò, kéo bằng tay ở miền Nam) thì đóng 20 ngàn đồng. Giờ hải quan không cho kéo xe, bắt phải mang hoặc gánh, như vậy một chuyến xe tải phải chia ra làm 6 lần để mang. Mà mỗi lần như vậy đóng đến 30 ngàn đồng. Trước đây một xe đóng 20 ngàn đồng, bây giờ đóng 180 ngàn đồng. Thử hỏi, một đoàn người cả trăm người qua lại mỗi ngày ít nhất 6 lần mỗi người, như vậy là 600 lần nhân cho 30 ngàn đồng, có phải ra 18 triệu đồng ($770 USD) hay không? Số tiền này không có biên lai, không có gì cả, đơn giản nó là tiền bỏ túi, ăn bánh mì của các ông thôi. Người lao động, đến đường cùng cũng không thoát được nạn mãi lộ cho các ông!”
Và hình như nói về nạn mãi lộ, không riêng gì các cửa khẩu phía Bắc như ông Trung (tên người đàn ông đội nón cối) đã nói. Mà hầu hết các cửa khẩu tại Việt Nam đều có nạn này, xe tải mãi lộ kiểu xe tải, xe khách mãi lộ kiểu xe khách, xe bò mãi lộ kiểu xe bò. Từ cửa khẩu Lao Bảo – Quảng Trị cho đến cửa khẩu Mộc Bài – Tây Ninh hay các cửa khẩu Hồng Ngự, Hà Tiên… Điều có nạn mãi lộ. Thậm chí như của khẩu Mộc Bài – Tây Ninh, bất kì người nào muốn đi sang Campuchia đều phải kẹp 20 ngàn đồng hoặc 50 ngàn đồng trong hộ chiếu khi xuất trình giấy tờ. Có vậy mới qua cửa được. Nhưng, câu chuyện ở đây đang nói về kiếm sống ở biên giới.
Giả sử người ta không đi buôn hàng, không đi chẻ hàng thì người dân vùng biên giới lấy gì để sống?

Kiếm cơm độ nhật bằng công việc khác

Nói về kiếm cơm độ nhật mà không phải đi thồ hàng thuê hoặc đi buôn hàng, có vẻ như cơ hội này dành cho người miền Nam nhiều hơn miền Bắc. Bởi miền Bắc không có bao nhiêu ruộng và rừng cũng được quản lý quá chặt nên người dân khó bề vào rừng hái cây măng hay kiếm cây củi. Ruộng bậc thang cũng chỉ cứu được cái bụng rỗng vài tháng trong năm, ngoài ra thì đi làm thuê, lúc đó người ta buộc phải chọn đi thồ hàng hoặc đi buôn hàng, vừa gần nhà, lại vừa có nhiều tiền… Ở miền Nam, cư dân các vùng biên giới dễ kiếm sống hơn nhờ vào ruộng đồng và sông ngòi.
Tại cửa khẩu Mộc Bài – Tây Ninh còn có thêm nghề cho thuê giấy chứng minh nhân dân để mua hàng. (Vì gần cửa khẩu có một khu siêu thị miễn thuế, bán các loại hàng không tính thuế, rẻ hơn ngoài thị trường chừng 40% bởi miễn thuế. Nhưng bù vào đó, hầu hết hàng hóa ở đây thuộc dạng hết date hoặc còn vài ngày cuối của date nên chẳng có chi bảo đảm nó rẻ hơn hàng bên ngoài trong trường hợp các siêu thị bên ngoài xả hàng). Nghĩa là một gia đình có bao nhiêu người thì người ta gom hết thẻ chứng minh nhân dân, thậm chí mượn cả thẻ chứng minh nhân dân của hàng xóm để lên đứng ở cửa siêu thị và chờ. Có ai mua hàng nhiều, vượt quá qui định của siêu thị (mỗi thẻ chứng minh được mua tối đa 1 triệu đồng ($43)) thì họ sẽ cho thuê thẻ với giá 50 ngàn đồng mỗi thẻ. Thậm chí, khi thẻ hết hạn ngày, họ tìm cách kết nối giữa người mua hàng nhiều với người mua hàng ít để qua cửa và mỗi lần kết nối như vậy họ lấy 20 ngàn đồng. Trung bình, một người mỗi ngày kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng để sống.
Riêng vấn đề buôn hàng thì có vẻ như dân buôn ở các cửa khẩu miền Nam buôn bán có qui mô và có phường, có hội chứ không nhỏ lẻ như dân vùng biên giới miền Bắc. Hơn nữa, với người Lào và người Campuchia, họ không chấp nhận kiểu buôn bán chụp giật như người Trung Quốc, dường như mọi mối quan hệ làm ăn với Lào, Campuchia đều bảo có bảo chứng, uy tín và có quá trình tương tác lâu dài, đủ tin cậy. Nó khác kiểu mua đi bán lại chộn rộn kiểu người Trung Quốc.
Và cũng nhờ vào cách làm ăn này, cộng với ruộng đồng phì nhiêu, trù mật, dường như người vùng biên giới phía Nam không phải ai cũng mặn mà với việc buôn bán qua cửa khẩu hoặc tìm sang các casino biên giới để đánh bạc. Chỉ có một nhóm rất ít các nông dân trúng đất hoặc trúng vụ tôm, vụ cá da trơn thì sang cửa khẩu đánh bạc và nướng tiền, trắng tay. Nhưng con số này rất nhỏ. '
 


Chuyển hàng về Việt nam ở cầu biên giới Lào Cai. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Các casino ở miền Nam lại có rất nhiều người Sài Gòn xuống, người miền Bắc vào chơi. Hầu hết người miền Nam vẫn sống theo nhịp điệu chầm chậm, thư thái của họ. Ngay cả những người nghèo tại vùng biên giới như Hà Tiên hay các biên giới ở An Giang, họ vẫn không bị lôi cuốn vào guồng quay hàng lậu hay chẻ rừng mà phụ nữ cứ sáng ra là ngồi cà phê cóc, cà phê bờ sông, ăn sáng, tới 9 giờ thì ra chợ mua một ít thức ăn về nấu, chiều lại nhậu lai rai… Ngày mùa thì đi làm, nếu có ai gọi làm công thì làm công… Mọi thứ cứ đủ độ nhật là tốt, nhà cửa thì tạm bợ nhưng ấm cúng, vui…
Nhưng, cũng chỉ có dân biên giới phía Nam mới có những công việc khá đặc biệt, mang đặc thù sông nước và cũng bồng bềnh theo sông nước tháng ngày, đó là nghề vớt củi trên sông. Có rất nhiều người suốt đời chọn nghề này như một cái nghiệp, tiền nhiều hay ít không quan trọng, phải được lênh đênh họ mới thích.
 

Nơi giao nhau giữa hai sông Hồng và Nậm Thi, biên giới Việt - Trung ở Lào Cai. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Bà Tư Hiền, năm nay 82 tuổi, có thâm niên trên 40 năm vớt củi trên sông Tiền, đoạn qua Châu Đốc, An Giang, chia sẻ, “Nghề này cực mà vui. Ít tiền mà sống thoải mái lắm!”
“Đã cực thì vui làm sao được vậy bà ơi? Đã ít tiền thì làm sao mà sống thoải mái được?”
“Cực là mình suốt ngày phải chèo thuyền trên sông, nhưng vui vì có khi chèo cả vài giờ không thấy chi, đùng đùng đâu đó trôi về một giề củi, ui cha là sướng, tha hồ mà lụm (lượm). Còn ít tiền mà thoải mái vì mình tự làm tự sống, có khi ba ngày mới bán được chừng 100 ngàn đồng (tương đương $4.2) nhưng chừng đó là sống thoải mái. Chủ yếu tuổi già là uống ly cà phê sáng, ăn tô hủ tiếu, còn buổi trưa, buổi tối thì cứ bỏ nắm gạo nấu, hái rau, có mắm kho quẹt với một ít cá tươi mình tự bắt là đủ. Đời sống thoải mái khi lòng mình thấy thoải mái mà cậu!”
“Vậy nhà mình ở đâu vậy bà?”
“Nhà bà cách đây chừng mươi cây số, gần cửa khẩu… Sáng ra ăn sáng xong thì xuôi thuyền tới đây, gặp củi thì vớt rồi xuôi tiếp, trưa lại chèo về. Ở chỗ bà thì chủ yếu làm ruộng, hết mùa làm ruộng thì đi lượm củi, có người làm nước thốt nốt để bán, cũng có người buôn trái cây… Nói chung buôn bán độ nhật, qua ngày, đủ ăn đủ sống là vui rồi, nhà cửa thì còn trống trải lắm. Nhưng đời mà, sống phải vui. Chứ có căng quá rồi cũng chết. Mấy đứa trẻ tuổi thì nó làm ăn bài bản, có tham vọng hơn cánh già, nó buôn hàng qua bển (Campuchia). Nhưng nhìn chung thì bà con ở đây sống qua quýt qua ngày thôi, nhìn lên thì không bằng ai nhưng nhìn ngang thì ai cũng như mình.”
Câu cuối của bà trong cuộc trò chuyện đã nói lên tất cả. Bà nói nhìn lên thì không bằng ai, nhưng lại không nói “nhìn xuống thì cũng không ai bằng mình” theo dân gian mà lại nói nhìn ngang. Hình như bà không còn ai bên dưới nữa để nhìn xuống.
Bởi nói cho cùng thì cho dù có lựa chọn một cách sống phóng dật, thoải mái chừng nào mà đời sống, cơ cấu xã hội cũng như mọi qui định, cơ chế không dành cơ hội cho người nghèo như bà nói riêng và cho những người sống ở cùng biên giới nói chung thì đương nhiên, nếu không đi buôn lậu, hoặc đi chẻ hàng, hoặc làm đầu nậu (nếu có nhiều tiền, có gan một chút) thì cũng chỉ đi lượm củi, lượm ve chai hay bán trái cây mà độ nhật. Biết phải nói làm sao?!
 


9 giờ sáng, các chị em miền Nam vẫn còn ngồi chơi, uống cà phê, chuẩn bị đi chợ mua ít thức ăn về nấu bữa trưa. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Bữa trưa bắt đầu từ việc luộc ốc và chuẩn bị rượu đế. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Những món nhắm và canh chua cho bữa trưa. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Vượt qua sông để chuyển hàng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Vận chuyển hàng ở cửa khẩu Hà Tiên. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Một góc chợ Cốc Lếu, Lào Cai, sát biên giới Lào Cai - Vân Nam. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Share :

Gửi bình luận